So sánh tình thế của Đại Nam và Việt Nam
“Tìm hiểu lịch sử không chỉ giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ mà còn đánh giá đúng hiện tại và, ở một mức độ nào đó, có thể đoán định được tương lai.” Ai đó đã nói đại thể như vậy?
Với tinh thần này, chúng tôi muốn đối chiếu “tình thế Việt Nam” hiện nay với “Lịch sử Đại Nam” cách chúng ta gần 100 năm trước. Có gì đó, các thế hệ Việt Nam hôm nay, soi chiếu như những bài học xương máu mà không nên, không thể lãnh cảm, thờ ơ!
Trước tiên xin sơ lược về hai thời kỳ trên.
Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam (大南), ngụ ý một nước Nam rộng lớn, nhưng không được chấp thuận. Khi nhà Thanh suy yếu, vua Minh Mạng chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839 (có sách ghi là năm 1838). Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945. (1)
Cách mạng tháng Tám, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.(2)
1. Ở phương diện thống nhất lãnh thổ, cả hai thời kỳ này có gì đó rất giống nhau.
Nhà Nguyễn, sau những năm tháng chinh chiến không biết mệt mỏi (1773-1801), cuối cùng Vua Gia Long đã lật đổ nhà Tây Sơn, thống nhất toàn diện đất nước. Dù có đứng trên “sử quan” nào thì cũng không thể phủ nhận được nhà Nguyễn và Vua Gia Long là người có công đầu trong việc tạo lập ra cương vực của nước Việt cơ bản như ngày nay. (Từ Móng Cái phía Bắc vào đến Cà Mau ở phía Nam, Tây Nguyên phía Tây và phía Đông là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.)
Nước Việt Nam ngày nay cũng trải qua biết bao cuộc “bể dâu”, dù còn nhiều cách nhìn phải rất lâu nữa mới thống nhất, song một điều không thể chối bỏ được là cương vực thống nhất kể từ 1975 đến nay đang thuộc về chính thể Nước CHXHCN Việt Nam. Có điều, “trong cơn ly loạn”, ở phía Đông của đất nước, một phần của quần đảo Trường Sa và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nay không còn thuộc quyền kiểm soát của người Việt nữa. Ngư dân miền Trung cũng không còn được “thoải mái” đi đánh cá ở ngư trường truyền thống của mình do “bạn vàng” và “tàu lạ” thường xuyên cấm đoán, cướp bóc, đánh đập…
Vấn đề thống nhất cương vực lãnh thổ thường là vấn đề sống còn, “đau đớn” của nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới. Người Do Thái phải mất 2000 năm lưu đày mới phục quốc; Dân tộc Triều Tiên bên cạnh chúng ta đã bị chia cắt hơn sáu chục năm mà vẫn chưa thấy tia hy vọng nào cho ngày thống nhất…
Vua Gia Long phải mất gần ba chục năm (1773 – 1801) lập ra nước Việt Nam (越南) mà sau cháu con ông đã để mất vào tay Pháp;
Nước Việt Nam thống nhất như ngày nay thì cha ông ta cũng phải chính chiến hơn một trăm năm nếu tính từ khi Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862), khi nhà Nguyễn công nhận quyền cai quản của nước Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn. Cho đến 1975, sau cuộc “kháng chiến chống Mĩ cứu nước”.
Tôi đi lính thời bình, thỉnh thoảng tham gia huấn luyện chiến đấu giả định vài tiếng đồng hồ thôi mà cũng thấy ngao ngán, huống hồ cha ông mình phải chinh chiến trận mạc hơn một trăm năm thì thật khó mà hình dung ra được nỗi gian truân, mất mát mà họ phải gánh chịu.
2. Ở phương diện “khủng hoảng và cải cách”
Nhà Nguyễn trong bối cảnh của “xã hội phong kiến phương Đông”, thật khó để có thể thoát ra được số phận của nó (bị xâm lược và nô dịch). Tuy nhiên, cũng trong cái “khung cảnh” ấy, Nhật Bản và một phần Thái Lan, họ đã thoát khỏi số phận chung của “phương Đông châu Á”.
Ở phương diện này, chúng ta, những thế hệ sau có quyền nghi hoặc về “trí tuệ và bản lĩnh” của cha ông mình.
Nghi hoặc không có nghĩa là phán xét và buộc tội cha ông mình, quan trọng hơn, coi đó là những bài học xương máu không thể thờ ơ, cần rút ra mà cải thay cho hiện tại, cho tương lai?
Tại sao trong cùng một khu vực địa lý, đồng văn, đồng chủng, thậm chí nhiều mặt, người Việt thuận tiện hơn, họ lại tránh được, còn chúng ta thì đắm chìm trong thân phận tôi tớ hèn hạ?
Rất nhiều kiến giải được bạch hóa trong không gian “thế giới phẳng” đó là: (i) quyền lợi dòng họ giai cấp đặt trên quyền lợi dân tộc; (ii) bối cảnh lịch sử khách quan trong sự đối trọng giữa xe tăng họng pháo với súng thần công, giáo mác; (iii) tư tưởng bảo thủ lỗi thời, ác với dân hèn với giặc, không dám thực thi những đề nghị cải cách tiến bộ vì sợ mất lợi quyền…
Xin dừng lại mà liên hệ, đối chiếu với tình thế của Việt Nam ở hai điều, đó là điều (i) và điều (iii)
Nước ta đang ngày càng tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tình hình đó, đặt ra yêu cầu cải cách thay đổi. Rất nhiều phản biện, đề nghị cải cách đất nước hội nhập với thế giới văn minh lần lượt bị nhà cầm quyền bỏ qua rất đáng tiếc.
Phải chăng, quyền lợi dòng họ, gia đình và giai cấp đang đứng trên quyền lợi dân tộc giống như thời nhà Nguyễn?
Câu chuyện của gia đình ông Triệu Tài Vinh (Bí thư Hà Giang), của gia đình ông Nguyễn Nhân Chiến (Bí thư Bắc Ninh) và vô số “gia định trị” khác không đếm xuể đang tàn phá mảnh đất vốn cằn cỗi của nước Việt này… Chính là những tảng đá cản bước chân dân tộc Việt Nam? Sao dân ta lại để cho họ làm điều đốn mạt đó?
Năm trăm vị đại biểu “dân cử” nhưng chỉ hơn 10 người không phải đảng viên? Nếu đem điều này đi đối chiếu với những giá trị phổ quát của thế giới đương đại thì ai chấp nhận?
Nó phi lý rõ ràng ra đó nhưng một nhóm người có lợi ích đã nhắm mắt làm ngơ, để mặc cho dân đen quằn quại trong cơn đói rách, đau ốm. Phần đa người dân biết chữ cũng chẳng hơn gì đứa vô học, ngậm miệng để vun vén cho cái niêu cơm của nhà mình, bỏ mặc dân tộc giẫy dũa thét la …
Ngồi đọc lại những quy kết của các “sử gia” đương thời đối với triều Nguyễn trong việc để mất nước ta vào tay Pháp mà thấy gì đó không công bằng. Chính họ những người được gọi là “trí thức” của thế kỷ này cũng không đủ tư cách xách dép cho những người mà họ được ngồi để phán xét. Đó chính là lý do đẩy Việt Nam đến tình thế như ngày hôm nay. Tình thế dân tộc vay mượn !?
Chú thích:
(1) Wikipedia
(2) Đại cương Lịch sử Việt Nam, tr 370)