Phone: (+84) 907 489 577
E-mail: dauntless1512@gmail.com

Tình thế của một dân tộc vay mượn (bài 2)

Hoà ước Quý Mùi (1883) xác lập quyền bảo hộ lâu dài của Pháp trên toàn bộ Việt Nam
Lê Văn Tích
Trở lại với câu chuyện lịch sử, khi nước ta từng bước, đến chỗ hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp (1862 -1883). Có không ít lần, các cuộc khởi nghĩa của “dân đen” làm cho Pháp phải lao đao, khốn đốn (chiến thắng Cầu Giấy hai trận năm 1873 và 1883 làm cho Pháp toan rút chạy, cả hai lần triều đình nhà Nguyễn đều chủ động nghị hòa thương lượng với Pháp,  với “hy vọng” Pháp sẽ rút quân?).
Thay vì triều đình nên “bí mật” bắt tay với dân để cùng đánh Pháp dành lại chủ quyền thì họ lại công khai bắt tay với Pháp, công khai đàn áp các cuộc khởi nghĩa để hòng lấy lòng “thiên triều Pháp quốc”?

Quan lại nước Nam có “truyền thống” ác với dân hèn với giặc là đây. Nếu không vì lòng ích kỷ, tư lợi gia tộc thì là gì?
Một khi quyền lợi của dân tộc bị xem nhẹ, bị đặt ở hàng thứ cấp thì đó chính là khi giai cấp thống trị đang lùi xuống cái hố họ tự đào ra để chôn chính mình.
Song song với các cuộc vũ trang bạo động của hào kiệt khắp ba miền là những đề nghị canh tân đất nước trên nhiều lĩnh vực của trí thức, thương gia “ưu thời mẫn thế”, của những quan quân tâm đức với đất nước, tất cả đều bị kẻ cầm quyền khước từ.
Năm 1868 Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế xin mở cửa biển Trà Lí (Nam Định).
Năm 1872, Viện Thương bạc xin mở 3 cửa biển ở miền Bắc và miền Trung để thông thương với bên ngoài.
Từ năm 1863-1871 Nguyễn Trường Tộ đã kiên trì gửi lên triều đình 30 bản điều trần đề cập đến một loạt vấn đề như chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương nghiệp và tài chính…
Năm 1877 và 1882 Nguyễn Lộ Trạch dâng hai bản “Thời vụ sách” lên vua Tự Đức đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước… Nhưng hầu như đều được chính quyền nhà Nguyễn “welcome” ở thùng rác?
Khi đọc cuốn “Khuyến Học” của FUKUZAWA YUKICHI, viết từ 1872 – 1876 mới biết vì sao có hiện tượng “thần kỳ” nước Nhật. Ông được đánh giá là nhà tư tưởng lỗi lạc, cùng với vua Minh Trị là những người có công đầu đưa nước Nhật Bản hưng thịnh như ngày hôm nay.
          So sánh với thời kỳ mà Nguyễn Trường Tộ dâng “Thiên Hạ Đại Thế Luận” lên vua Nguyễn (1863 -1871) thì thấy Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản còn đi sau cả chục năm trời so với Nguyễn Trường Tộ. Những nội dung đề nghị cải cách của người Việt Nam cũng không thua tư tưởng Tây học của người Nhật là mấy. Vậy nhưng kết cục thì người ta lên thiên đàng mà mình xuống địa ngục.
          Vì sao như vậy? Vì tư duy độc lập của một dân tộc tự cường khác với tư duy của một dân tộc sống trong “tình thế vay mượn”. Lệ thuộc phong kiến phương Bắc quá lâu, mất dần tính độc lập. Dẫn đến không còn tin vào dân mình, “đồng nghiệp” của mình và  không tin cả chính mình.
          Lúc nào cũng trông chờ vào “lãnh đạo, chỉ đạo” của cấp trên, của “thiên triều” mà không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình dù cho việc làm ấy là công chính và đúng đắn.

Chính cái tư duy này đang đè nặng lên cả một nền hành chính rập khuôn, máy móc hiện nay. Trên chỉ sao dưới làm vậy mà không dám coi đó là sai trái là vi hiến cần phải phản bác, phản kháng. Tư tưởng nhờ vả, vay mượn đã ăn sâu vào gốc rễ, đặc biệt là đám công chức tiến thân nhờ xu nịnh,  và chạy chọt ngày nay.

Vì không độc lập về tư duy nhận thức, dẫn đến mất chính kiến cá nhân. Phải dựa dẫm, nhờ vả, vay mượn trong quá trình tiến thân cho nên lúc nào cũng chỉ biết cúi đầu khúm núm. Không bao giờ giám chứng tỏ năng lực cá nhân, dẫn đến mọi hoạt động của tất cả các tổ chức cơ quan đều đồng nhất dù thực tiễn mỗi nơi mỗi khác.

Lãnh đạo lệ thuộc về tư tưởng thì làm sao đơn vị, dân chúng có tư tưởng độc lập được. Vậy là đẩy cả một dân tộc chỉ quen với bon chen, vụ lợi cá nhân vì lo sợ ngày bất an có thể xẩy ra. Mấy chục năm trời mà không có nổi một “hào kiệt” đứng ra cáng đáng việc văn minh cho bá tánh?

          Viết đến đây thì nhớ lại câu chuyện tổng kết cuối năm học. Trước đó tôi đã phải năn nỉ người ta rất nhiều lần để xin vài trăm cuốn sách của ông Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Đó là những cuốn sách rất hay, mang tư tưởng khai phóng của Âu-Mĩ- Nhật, có thể “khai dân trí” của thế giới ngày nay. Vì cuối năm rồi nên tôi không thể tự tay phát cho học sinh, đành gọi điện nhờ Hiệu trưởng là tặng dùm cho các em vào buổi tổng kết. Lời đề nghị chân tình của tôi đã bị ông ấy chối phăng bởi lý do rằng thì là: “phải có hội đồng phê duyệt, phải báo cáo lên cấp trên…” Đó là những cuốn sách mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải mất khá nhiều tiền bạc và tâm huyết để dành tặng cho thanh niên Việt Nam, ông hy vọng sẽ làm cho nước Việt “lớn lên”. Nó được quảng cáo rầm rộ trên VTV1 mấy năm nay (“Những cuốn sách đổi đời , bên những tách cà phê đổi đời”). Vậy nhưng gặp phải người cố chấp, lạc hậu, không dám chịu trách nhiệm nên vài trăm cuốn sách của mình dự định “khai trí” cho HS trong dịp hè, nay phải xếp xó. Tiếc thương thay cho học sinh, cho lớp người được gọi là “công bộc” này!

Chuyện đó cứ tưởng như là sai lầm của lịch sử mà không nên lặp lại, hóa ra, nếu đối chiếu với tình thế nước Việt hiện thời thì không chỉ không bằng mà còn tệ hại hơn.

Nói nhà Nguyễn lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, nhưng ở vào thời điểm ấy thì nước ta cũng đứng ở vị trí nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Còn Việt Nam ngày nay tự cho mình là “rực rỡ”, là “đỉnh cao trí tuệ” thì đứng gần bét bảng của khu vực này.

Làm lãnh đạo Việt Nam thật không dễ chịu chút nào. Đi đến đâu cũng ngửa tay trơ mặt ra để cầu cạnh người ta viện trợ, đề nghị công nhận… Nó chẳng khác gì người cha đi vay của họ hàng về trong khi con nó mang đi bài bạc, không có gì muối mặt hơn!

Bốn mươi năm trước cũng “xin, vay”. Hai mươi năm nữa cũng chẳng khá hơn gì. Nay, ngót gần nửa thế kỷ rồi mà cũng chỉ biết trông chờ vào quốc gia này, tổ chức nọ “bố thí và ban ơn”?

Một cá nhân thường xuyên sống trong vay mượn cũng đã thấy nhục nhã ê chề. Đằng này một Quốc thể gần trăm triệu dân mà cứ ngửa tay vay mượn suốt nửa thế kỷ thì không còn lời nào để diễn tả, để biện minh…

Nếu không cải cách về chính trị, về kinh tế theo trào lưu văn minh của thế giới thì người Việt, nước Việt cứ mãi sống trong tình thế của một dân tộc vay mượn và lệ thuộc.

Đây là tương lai của con cháu chúng ta?

LVT, Diễn Châu, June 7/2017